1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5

Phùng Minh

(Dân trí) - Các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; quản lý seri tiền mới in; cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; xếp lương công chức thi hành án dân sự,… có hiệu lực từ tháng 5.

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước

Nghị định 29/2024 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/5.

Quy định mới nêu rõ, tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm: Về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5 - 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam (đứng giữa) trao 4 quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ thuộc Thanh tra Chính phủ mới đây (Ảnh: TTCP).

Ngoài ra, Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm: Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm.

Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2024 được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.

Trong trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tại Nghị định 29 nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

Đối với các trường hợp này, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in

Thông tư 01/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quản lý seri tiền mới in có hiệu lực thi hành từ ngày 14/5.

Trong đó nêu rõ nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số in từ 0000001 trở đi.

Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 6 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.

Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5 (thay thế Quyết định 24/2017).

Quyết định này cho phép rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng; song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5 - 2

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024, có hiệu lực từ ngày 15/5 (Ảnh: EVN).

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. 

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn xếp lương công chức thi hành án dân sự

Thông tư 02/2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số, xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự có hiệu lực từ 18/5.

Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án; áp dụng đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5 - 3

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: Kim Quy).

Ngạch Chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 (từ 6.20 đến 8.0).

Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1; (từ 4.40 đến 6.78).

Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 (từ 2.34 đến 4.98).

Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B (từ 1.86 đến 3.66).

Điều kiện xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật

Nghị định 36/2024 của Chính phủ quy định chi tiết xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật có hiệu lực thi hành từ 20/5.

Theo đó, tác giả có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng 2 giải thưởng này phải trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu về Việt Nam đề nghị xét tặng 2 giải thưởng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật xét tặng phải đáp ứng các điều kiện: Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát kể từ ngày 02/9/1945.

Thời gian tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng tối thiểu là 5 năm đối với "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 3 năm đối với "Giải thưởng Nhà nước" tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương.

Đồng thời, tác phẩm, công trình đó không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố, sử dụng hoặc có tranh chấp nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm nộp hồ sơ xét tặng.