1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Ban hành văn bản gây hại phải bồi thường tương xứng

(Dân trí) - TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết ông rất trăn trở khi liên tục phải “tuýt còi” những quy định “trên trời”, thiếu thực tế gây bức xúc dư luận.

Trả lời PV Dân trí, TS Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2014 cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức (số văn bản do bộ ngành ban hành là 46 và các địa phương là 588).

“Số lượng văn bản sai được phát hiện năm 2014, kể cả sai nhỏ (về thể thức, câu chữ) lẫn sai lớn (trái quy định cấp trên, trái thẩm quyền) tương đối nhiều, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 số các văn bản đã được chúng tôi kiểm tra. Số văn bản có nội dung trái quy định của cấp trên, được ban hành trái thẩm quyền chiếm tỷ lệ ít hơn nhiều (khoảng 3%) trong tổng số văn bản đã được kiểm tra. Nhưng vấn đề quan trọng là phải tìm cho ra, tìm cho được để xử lý nghiêm và có giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động, thiệt hại cho người dân”- ông Sơn nói.

TS. Lê Hồng Sơn: Văn bản của Bộ, tỉnh nhưng có khi chỉ do một nhóm nhỏ chuyên viên thực hiện.

TS. Lê Hồng Sơn: Văn bản của Bộ, tỉnh nhưng có khi chỉ do một nhóm nhỏ chuyên viên thực hiện.

Nhưng cũng có rất nhiều vụ việc mà phải tới khi báo chí phản ánh thì các ông mới phát hiện, vào cuộc và đề nghị xử lý?

Phải khẳng định rằng các bạn báo chí đã rất nhanh nhạy, kịp thời phát hiện và phản ánh những văn bản có quy định không phù hợp, trái thẩm quyền hoặc gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi coi thông tin trên báo chí là một “kênh” để tiến hành kiểm tra, kiến nghị cơ quan liên quan xử lý đối với văn bản đó. Hơn nữa thông tin phản ánh, phản biện trên báo chí đã tạo ra áp lực, sức ép rất lớn buộc những người ký ban hành văn bản, cơ quan ban hành văn bản phải lắng nghe, rà soát lại lại để kịp thời chấn chỉnh, hoàn thiện.

Công việc nhiều “đụng chạm”, gian nan, vất vả của chúng tôi thực sự đã có sự đồng hành, ủng hộ, chia lửa rất lớn của các bạn phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí. Đơn cử như dịp cuối năm vừa rồi một số tỉnh đưa ra quy định khuyến khích cán bộ nhân viên, cơ quan trên địa bàn sử dụng “bia tỉnh ta”, “xi măng tỉnh ta”. Ngay khi báo chí phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản đã vào cuộc và khẳng định các quy định này vi phạm Luật Canh tranh, tạo ra tâm lý cục bộ địa phương và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Sau khi chúng tôi có ý kiến, lãnh đạo các tỉnh đã nhận ra vấn đề và xử lý thu hồi các văn bản đó rất kịp thời.

Gần gũi với các bạn báo chí hơn là việc tỉnh Thanh Hóa đưa ra quy định hạn chế quyền của phóng viên thường trú trên địa bàn, có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí. Chúng tôi đã tổ chức ngay đoàn công tác làm việc trực tiếp với địa phương. Đến tháng 9/2014 thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sửa văn bản vì thấy có những điểm chưa phù hợp, sai trái.

Ông từng nói nhiều lần rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xuất hiện rất văn bản trái luật, trái thẩm quyền, thiếu thực tế do trình độ của người xây dựng. Liệu còn những nguyên nhân sâu xa nào khác như “lợi ích nhóm” trong ban hành văn bản?

Đúng là việc ban hành văn bản sai trái có rất nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập, kẽ hở; trong đó phải khẳng định rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Chúng ta chưa ý đến việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ chuyên nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế đã cho thấy những cán bộ đang được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh. Có tình trạng cấp trên “khoán trắng” cho cấp dưới xây dựng văn bản và cấp dưới thì tiếp tục “khoán trắng” cho các chuyên viên của mình thực hiện nên mới có chuyện văn bản của bộ này, bộ kia, tỉnh này, tỉnh kia nhưng cuối cùng có khi chỉ do một nhóm nhỏ chuyên viên làm từ A tới Z. Mà không ít những chuyên viên này thuộc dạng “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại phải làm việc trong sự thúc ép tiến độ thì rất khó đảm bảo hiệu quả.

Hơn nữa dư luận cũng đã nói rất nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm, lợi ích ngành chi phối các nội dung, chính sách của văn bản. Việc lấy ý kiến đóng góp của các các chuyên gia, phản biện xã hội, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của những chính sách đó cũng không thực sự được chú trọng; thậm chí việc lấy ý kiến rất qua loa, hình thức khiến chính sách dự kiến trong dự thảo văn bản đó không đủ độ chín.

Kinh phí để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng là thiếu thật, nhưng đã có hiện tượng “gian dối” như xin chữ ký khống của đại biểu dự hội nghị, lập chứng từ khống, hợp thức hóa chứng từ để giải ngân và chia chác nội bộ, còn thực chất chi cho xây dựng nội dung, yêu cầu công việc chỉ một phần thôi. Ai cũng thấy, cũng biết nhưng ít ai dám nói thẳng ra. Một số công chức trẻ mới vào làm việc được giao đi xin chữ ký danh sách cuộc họp, làm giả chứng từ rồi nói rằng “cháu cũng ngại lắm nhưng sếp giao thì phải làm”. Làm hời hợt, đối phó như thế thì đương nhiên sẽ có kết quả hời hợt, đối phó, đãi bôi. Tình trạng này không còn là hiện tượng cá biệt trong bộ máy hoạch định chính sách nữa nên rất cần có những chấn chỉnh nghiêm túc để bộ phận pháp chế, xây dựng văn bản quy phạm ở các bộ ngành, địa phương được sát sao, gần gũi thực tế và mang lại hiệu quả cao hơn; hạn chế tối đa việc văn bản vừa ban hành đã gây phản ứng của người dân và dư luận.

Theo ông phải mạnh tay xử lý đối với những cán bộ xây dựng văn bản hời hợt, dễ dãi, thiếu thực tế như thế để tránh những quy định trên trời kiểu “ngực lép không được lái xe”, “cấm bán bia hơi vỉa hè”, “uống bia tỉnh ta”…?

Đúng như vậy. Tôi biết có khoảng 4 hay 5 người đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác nhưng không tiện nêu danh tính ra ở đây. Thậm chí tôi còn ủng hộ cơ chế yêu cầu cơ quan ban hành văn bản trái thẩm quyền, trái luật gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tương xứng.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)